Văn hóa ẩm thực Nhật được biết đến với những món ăn truyền thống, và nghệ thuật trang trí ẩm thực độc đáo. Nhật cũng giống như các nước châu Á khác, xuất phát từ nền nông nghiệp lúa, nên cơm được coi là thành phần chính trong bữa ăn của người Nhật. Ngoài ra cá và hải sản là nguồn cung cấp protein chủ yếu của họ. Người Nhật thường chú ý nhiều đến kiểu cách và rất cầu kỳ trong chế biến thực phẩm. Chính những điều này tạo nên hương vị đặc trưng của các món ăn Nhật như các món ăn sống, hấp, luộc…
“Tam ngũ” là quan niệm của người Nhật trong các món ăn, đó là “Ngũ vị, ngũ sắc, ngũ pháp”.
+ Ngũ vị bao gồm: ngọt, chua, cay, đắng, mặn
+ Ngũ sắc có: trắng, vàng, đỏ, xanh, đen
+ Ngũ pháp có: để sống, ninh, nướng, chiên và hấp.
Mùi vị các món ăn Nhật đơn giản hơn so với các món ăn của phương Tây. Đồ ăn Nhật chú trọng đến đặc sản theo từng mùa và sự lựa chọn các bát đĩa đựng thức ăn một cách nghệ thuật. Các món ăn của Nhật nhằm giữ lại nhiều nhất hương vị, màu sắc của thiên nhiên.
Nhật Bản nghiêng về sự bắt mắt tinh tế, đó là sự hòa trộn khéo léo và tinh tế của màu sắc, hương vị cũng như tôn giáo truyền thống. Những món ăn được chế biến nhỏ nhắn, xinh xắn, hương vị thanh tao, nhẹ nhàng không quá nồng đậm. Người Nhật thường dùng đũa để ăn, đặc biệt họ thích bày biện món ăn bằng những bát, đĩa nhỏ xinh.
Bữa cơm người Nhật chủ yếu là cơm, cá, rau và có rất ít thịt trong thành phần ăn. Mỗi người bao giờ cũng có một bát cơm kèm với rau bina, củ cải hoặc dưa góp, rong biển sấy được dùng để cuộn cơm hoặc ăn không. Có thể ăn mì Udon và Soba để thay thế cơm hay Sushi. Món khai vị là sashimi và kết thúc bữa ăn là một tách trà xanh nóng hổi.
Trước khi ăn người Nhật thường nói: "itadakimasu" - là một câu nói lịch sự, nghĩa là "xin mời" nhằm nhấn mạnh sự cảm ơn tới người đã cất công chuẩn bị bữa ăn. Khi ăn xong, họ lại cảm ơn một lần nữa "gochiso sama deshita" (cảm ơn vì bữa ăn ngon")
Ngày nay bữa ăn của người Nhật đã có sự Âu hóa bởi những ảnh hưởng của sự tiếp xúc với các nền ẩm thực châu Âu. Trong bữa ăn xuất hiện các sản phẩm sữa, bánh mì, thịt và các sản phẩm làm từ bột mì ngày một nhiều.
Những món ăn truyền thống của người Nhật
Sushi
Có lẽ nhắc đến ẩm thực Nhật Bản thì sushi là món ăn mà nhiều người nhớ đến ngay đầu tiên. Một góc độ nào đó có thể hình dung sushi là một hình ảnh biểu tượng cho ẩm thực Nhật Bản.
Sushi Nhật Bản
Từ xưa, người Nhật đã biết cách ủ cá, tôm, hải sản vào nắm cơm để giữ được mùi vị thơm ngon. Khi ủ, cơm thường được trộn với một chút giấm cho chua chua ngọt ngọt. Mà cũng chính vì thế mà cá ủ trong cơm được chuyển hóa thành sushi. Ngày nay với việc sử dụng thêm các gia vị chế biến bổ trợ đã tạo nên độ tươi, hương vị nguyên chất, và cảm nhận hết cái ngon của các loại hải sản giàu protein này. Sushi chính là một kiệt tác thành công trong cách chế biến ẩm thực của người Nhật Bản.
Tempura
Được biết đến là món ăn nổi tiếng thứ 2 sau sushi. nhưng đây lại là món ăn có xuất xứ từ châu Âu. Tempura được du nhập vào Nhật Bản từ thời kỳ Edo, được những người truyền giáo Bồ Đào Nha đem đến. Sau một thời gian du nhập vào Nhật Bản, Tempura đã được cải biến lại cho phù hợp với khẩu vị của người Nhật.
Tempura Nhật Bản
Tempura là một món ẩm thực của Nhật Bản gồm các loại hải sản, rau, củ tẩm bột mì rán ngập trong dầu. Cái làm nên sự khác biệt giữa tempura với các món có tẩm bột rán khác chính là bột, dầu và nước chấm và gia vị ăn kèm. Thành phần chính trong nguyên liệu làm tempura là các loại hải sản, phổ biến nhất là tôm, mực, cá, một số loại rau củ như bí ngô, cà dái dê, khoai lang, lá tía tô, ớt ngọt, đỗ ván. Với bản tính sáng tạo và ưa thích sự hoàn mỹ, người Nhật đã cải biến Tempura theo nhiều cách khác nhau và trang trí cũng đẹp hơn. Tempura được sử dụng như một món ăn nhẹ.
Wasaghi
Wagashi là tên gọi chung của các món bánh truyền thống của Nhật Bản từ lâu đời, được làm từ bột nếp, nhân đậu và hoa quả, được trình bày đẹp mắt, dùng trong các tiệc trà đạo, tên gọi Wagashi có nghĩa là Vẻ đẹp tự nhiên
Wasaghi Nhật Bản
Vị ngọt nhẹ nhàng của wagashi sẽ làm giảm vị chát của trà xanh. Vì thế người ta luôn dọn vào bữa trà, dùng với một cây xiên nhỏ.Wagashi cũng là biểu tượng của sự hiếu khách, người ta thường tặng nó trong các buổi lễ cưới, lễ sinh nhật…Wagashi tượng trưng cho sự hài hòa với thiên nhiên. Người làm wagashi luôn lấy cảm hứng từ thiên nhiên bốn mùa của trời đất, từ văn chương, nghệ thuật, thơ ca. Tùy theo mỗi mùa, những nghệ nhân làm wasaghi sẽ dùng những lọai nguyên liệu của từng mùa để cho ra đời những chiếc bánh Wagashi độc đáo, như bánh Sakura Mochi và bánh Kashiwa Mochi chỉ có vào mùa xuân.
Rượu Sake
Đối với người dân Nhật Bản, rượu sa-kê không đơn thuần chỉ là một loại đồ uống trong bữa ăn! Ý nghĩa văn hóa - tôn giáo đặc biệt của rượu sa-kê là ở chỗ nó không chỉ là cầu nối giữa con người với con người mà còn là cầu nối giữa con người với thần linh.
Rượu Sake
Những nét đặc sắc của rượu sa-kê so với nhiều loại rượu danh tiếng khác trên thế giới bắt nguồn từ vị trí địa lý cách biệt của Nhật Bản. Qua nhiều thế kỷ, người Nhật vẫn giữ vững phương pháp làm rượu sa-kê độc đáo của mình như một nét văn hóa riêng không hề bị pha trộn. Sake có thể uống khi nguội, khi ấm hoặc nóng tùy theo mùa và theo loại sake. Thường thì khi mùa Đông, người ta hay uống sake nóng.
(Nguồn: sưu tầm)
VP Hà nội: Tầng 3, số 15 đường Trung Yên 5, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà nội
VP TPHCM: Số 63 đường Phan Khiêm Ích, khu Hưng Gia 4, Phường Tân Phong, Q7, TP HCM
Hotline: 090 492 8088 <phone/zalo/whatapp>
Email: support@oreentravel.com
Website: www.oreentravel.com
Facebook: www.facebook.com/oreentravel
Oreen Travel - Du lịch và hơn thế nữa !
Giấy phép LHQT số: 01-345/2017/TCDL-GP LHQT